Header Ads

PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI 
 
I. Biến Cố Damas 
 
 “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi lan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1, 15-16). 
 
  Bằng những từ ngữ mượn ở Cựu ước, Phaolô minh định  ơn gọi Tông đồ của mình giống các ngôn sứ xưa (cf. Gr 1,5; Is 49,1), nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh mới mẻ là tập trung vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Phaolô quả quyết mình nhận được mạc khải về những khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã dấu kín từ muôn thuở (1Cr 2, 7-10). Thiên Chúa tỏ cho biết về Đức Giêsu (Gl 1,12) khác với điều ông biết trước đây, nhờ vào cảm nghiệm gặp gỡ qua biến cố Damas. Phaolô khẳng định ông đã thấy Đức Giêsu (1Cr 9,1 và  2Cr 4,6). Phaolô khẳng quyết nếu mình là Tông Đồ, ấy là vì  đã thấy Đức Giêsu (x. 20,18.25). Thánh Phaolô áp dụng cho chính mình công thức truyền thống về việc thấy Đấng Phục sinh hiện ra và tự liệt mình vào sổ những chứng nhân đã được thấy Chúa: “Người đã hiện ra với ông Kepha, rồi với Nhóm 12. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 5-8). Ta gặp thấy ở đây động từ “opthè” gặp thấy trong Lc 24, 34; Cv 9,17; 13,31; 26,16. Như thế, Phaolô tuyên bố mình là chứng nhân đích thực của Đức Kitô phục sinh, đồng hàng với các chứng nhân tiên khởi qua kinh nghiệm gặp gỡ ấy. Chắc chắn khi nói mình thấy Đức Giêsu hiện ra, Phaolô không muốn diễn tả một sự kiện, nhưng chủ đích là muốn nói lên biến cố quyết định ơn gọi và sứ mệnh Tông đồ của mình vì thấy Đức Giêsu (Gl 1,16).  
Hiểu sao về cuộc trở lại? Phaolô không ngừng tin vào một Thiên Chúa và phục vụ Người hết lòng. Ngài trở lại có nghĩa là “đức tin kitô giáo hoàn tất niềm tin Do Thái giáo của Ngài, đó là niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại để ban cứu độ cho nhân loại. Sự trở lại biến Phaolô thành người tông đồ nhiệt tình rao giảng về Đấng đã chết và sống lại: đó là lẽ sống của Ngài.
 
Công vụ thuật lại biến cố Damas : “Saolô tới gặp thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damas, để nếu thấy những người theo Đạo thì bắt giải về Giêrusalem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damas, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sángtừ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông…” (Cv 9,1-3). Đoạn văn muốn trình bày Phaolô trước đây là người bách hại Đạo, nhưng sau biến cố Damas đã trở thành dụng cụ của Tin mừng Đức Kitô: “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (9,15). Phaolô nhắc tới biến cố này trong  diễn từ trước đám đông Do Thái tại Giêrusalem (Cv 22,4-6), và lần khác trước Agrippa (Cv 26,9-18). 
 
II. Đầu Đời Tông Đồ
 
1. Đi Ả rập. Cv 9, 19b-22 thuật lại sau khi được Anania rửa tội, Phaolô nán lại ở Damas, lui tới hội đường để rao giảng niềm tin vừa lãnh nhận. Thư Gl 1,15-17 cho biết sau khi đổi đời, Phaolô đi Aûrập, một mặt vừa có thời giờ để chiêm niệm và đào sâu kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục sinh, vừa tra cứu lại Kinh Thánh những điều liên hệ đến Đức Kitô. Tại đây, Phaolô làm nghề dệt vải làm lều, giảng dạy trong hội đường vào ngày sabbat và dựa vào Kinh Thánh để làm chứng Đức Giêsu chết và sống lại. 
 
2. Trở lại Đamas. Gl 1,17 cho biết Phaolô trở lại Damas và ba năm sau mới lên Giêrusalem gặp Phêrô. Trong thời gian trở lại Damas,  Cv 9,23-25 thuật lại Phaolô rao giảng và làm chứng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Cv 9,20), là Đấng Messia (9, 22). Điều này làm cho Do Thái đi từ bỡ ngỡ đến tức giận và tìm cách giết Ngài (Cv 9,23). Thế rồi ông đã được các kitô hữu cứu bằng cách đang đêm đặt ông trong cái thúng  rồi dòng dây thả xuống (9,25). Như thế, dựa vào Cv và thư Gl, ta có thể kết luận: trở lại, đi Ảrập, trở lại Damas, đi Giêrusalem.
 
3. Đi Giêrusalem. Cv 9,26-29 tường thuật việc Phaolô đến Giêrusalem lần đầu. Theo Gl1,18 sau 3 năm tại Damas, Phaolô đến Giêrusalem với mục đích diện kiến (historêsai: làm quen) với Kêpha, vị lãnh đạo Hội thánh và là chứng nhân tiên khởi của Phục sinh (1Cr 15,5; Lc 24, 34). Phaolô lưu lại đây 15 ngày, có lẽ tại nhà Phêrô, dĩ nhiên được Phêrô chỉ giáo cho nhiều điều liên quan đến cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu. Phaolô còn gặp Giacôbê lãnh đạo Hội thánh Giêrusalem.  
 
Về việc đến Giêrusalem, Cv 22,17-21 còn thuật lại rằng khi Phaolô cầu nguyện trong Đền thờ, ông thị kiến Chúa ra lệnh cho ông rời khỏi Giêrusalem vì người Do Thái cứng tin, và sai ông đi đến các dân ngoại. Phaolô thuật lại kinh nghiệm này trong phần kết thúc diễn từ trước đám đông người Do Thái tại Giêrusalem.  Ta ghi nhận đoạn này bổ túc cho trình thuật trở lại vì khi trở lại Phaolô chưa nhận được sứ mệnh nào do Đức Giêsu trao phó. Như thế, ta có thể hiểu rằng, đối với Luca, việc Phaolô đến với dân ngoại là cả một quá trình chiêm niệm chín mùi về kinh nghiệm Damas, chứ không phải ngay sau biến cố.
 
4.   Đi Antiokia. Công Vụ 9,30 thuật lại: sau lần đầu gặp gỡ tại Giêrusalem, Phaolô xuống Xêdarê và lên đường về Tarsô. Barnaba sẽ đến tìm Phaolô tại Tarsô để dẫn về Antiokia (Cv 11, 25-26). Kitô giáo đã có mặt tại Antiokia từ những ngày mà những kitô hữu bị bách hại và trục xuất khỏi Giêrusalem (Cv 11,19).  Barnaba được cộng đoàn Giêrusalem trao trọng trách mục vụ tại Antiokia. Ông đến Tarsô đề nghị Phaolô theo ông về Antiokia. Ta khám phá ở đây nhãn quan thần học truyền giáo của Luca: Giêrusalem vẫn luôn là Giáo hội mẹ. Sứ vụ truyền giáo của Phaolô tại Antiokia được trao qua đại biểu của Giáo hội Mẹ. Và từ Antiokia, Phaolô bắt đầu những cuộc hành trình truyền giáo của mình. Tất cả đều phát xuất từ Giêrusalem và trở về Giêrusalem: tính cách duy nhất và hiệp thông của sứ vụ và của Tin Mừng được rao giảng.  
 
Đến Antiokia, Phaolô không tránh khỏi những nghi ngại ban đầu của các kitô hữu (cf. Ananie: Cv 9, 26); nhưng được Banaba làm chứng và bảo lãnh (cf. Cv 9, 27), mọi nghi ngờ thuở đầu tan biến và Phaolô bắt đầu rao giảng nhân danh Chúa cho người Do Thái và dân ngoại. Nhiều người trở lại. Danh Phaolô đồn vang. Các Hội thánh ở Giuđê bày tỏ lòng khâm phục con người bách hại trước đây. Chính tại Antiokia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là kitô hữu (Cv 11, 26).
 
5. Trở lại Giêrusalem. Gl 2,1 viết: “Sau mười bốn năm, tôi lại lên Giêrusalem một lần nữa cùng với Banaba”. Phaolô đã làm gì trong khoảng thời gian 14 năm đó? Chắc chắn, Phaolô dựa trên kinh nghiệm Damas và những gì thu nhận được qua cuộc viếng thăm lần đầu Giêrusalem để rao giảng cho Do Thái và những người ngoại biết Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai của Israel. 
 
Ta không hiểu tại sao Phaolô phải đợi đến lúc đến Antiokia, khoảng 43-44, mới rao giảng đức tin Kitô giáo cho dân ngoại, và ông đã phải chờ đợi một thời gian khá lâu để công bố việc cắt bì cũng như việc thuộc về Do Thái không phải là điều kiện cần thiết và tiên quyết cho việc lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Phải đợi đến lúc Chúa truyền cho Phêrô Rửa tội cho Cornêliô mà không cần cắt bì để thuộc về gia đình Do Thái, lúc ấy Phaolô mới mạnh dạn bày tỏ và khẳng quyết lập trường của mình. Âu đó cũng là sự khôn ngoan và dè dặt thuở đầu! 
 
Theo Cv 11, 27- 30 một biến cố xảy ra làm gián đoạn công cuộc rao giảng của Phaolô tại Antiokia, cho ông cơ hội trở lại Giêrusalem lần thứ hai sau 14 năm xa cách: đó là cuộc lạc quyên tại Antiokia giúp Giáo hội mẹ Giêrusalem đang trong cơn đói kém. Phaolô và Barnaba được trao trách nhiệm đem của quyên góp về Giêrusalem. Sau khi đã chu toàn công việc phục vụ tại Giêrusalem, hai ông trở về Antiokia, đem theo ông Gioan-Marcô (Cv 12,24).
 
III. Hành Trình Truyền Giáo 
 
 
Thánh Phaolô đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo : hành trình I vào khoảng năm 46-48 (Cv 13-14), hành trình II năm 49-52 (Cv 15, 41- 18,22), hành trình III vào khoảng 53-58 (Cv 18,23tt) và cuối cùng là hành trình đến Rôma trong tư thế chứng nhân bị xiềng xích. 
 
Cùng tham gia truyền giáo với Phaolô, có những cộng sự viên mà Cv ghi lại : 
 
- Barnaba được các Tông đồ giao trách nhiệm coi sóc giáo đoàn Antiokia. Oâng giới thiệu Phaolô với các Tông đồ,   bảo lãnh Phaolô về làm việc chung tại Antiokia.
 
- Tại Lystres trong hành trình II, Phaolô nhận Timôthê   làm môn đệ và trở thành cộng sự viên đắc lực của Phaolô.   
 
- Titô theo Phaolô trong các hành trình truyền giáo và được trao nhiều nhiệm vụ, đặc biệt công tác lạc quyên tại Côrintô, tổ chức giáo đoàn Crêta.
 
- Luca, vị lương y mà Phaolô gặp tại Trô-a trong hành trình II, Epaphrodite (Pl2,25), Epaphras (Cl1,7;4,12), Tychique (Ep 6,21). Ngoài ra còn có các bà : Đamaris (Cv 17,34), Lyđia (Cv16,14), Priscilla và Aquila (Cv 18,2), Phoebé (Rm 16,1), Nymphê (Cl 4,5), Eâvôđia (Pl 4,2). 
 
Tất cả các cộng sự viên đều hiệp nhất với Phaolô và với nhau trong tinh thần nhiệt thành loan Tin Mừng. Vấn đề đặt ra trong việc truyền giáo: nhân sự truyền giáo, tinh thần hiệp nhất và cộng tác, cách phân bổ công tác…
 
Hành trình I 
 
Cv13 đánh dấu một khởi đầu mới cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội tiên khởi. Tác giả giới thiệu Barnaba và Phaolô được chỉ định (qua việc cầu nguyện và đặt tay) sai đi truyền giáo cho dân ngoại. 
 
Hành trình truyền giáo I bắt đầu từ năm 44/45 đến năm 48/49. Banaba, Phaolô và Maccô đi Sýp (quê của Banaba), sau đó đến Paphôs. Vào thành, các ngài đụng đầu Eâlymas, pháp sư hầu cận thống đốc. Ông này cản ngăn thống đốc tin Chúa, Phaolô phạt anh bị mù. Lần đầu tiên Phaolô được ơn làm phép lạ. Ơn lạ quả là cần thiết vào lúc đang rộ lên những hành động pháp thuật trong toàn đế quốc Lamã. 
 
Từ Paphôs, các nhà truyền giáo đi tới Pergé, miền đồng lầy nghèo khổ. Maccô bỏ Phaolô và Banaba để trở lại Giêrusalem, có thể do sự kham khổ của hành trình truyền giáo, nhưng đúng hơn do Maccô chưa thể chấp nhận điều mà Phaolô chủ trương, đó là người ngoại tòng đạo không cần qua cắt bì. Sau đó, các ngài đến rao giảng trong hội đường Do thái tại Pisidie, thuộc miền Phrygie. Sách Cv ghi lại diễn từ đầu tiên của Phaolô (Cv14). Phần đầu tóm lược lịch sử Israel từ đầu đến Gioan Tẩy Giả  (cf. Diễn từ của Stêphanô). Phần chính đề cập đến việc kết án Đức Giêsu, Thiên Chúa đã phục sinh Ngài và những lần hiện ra (cf. Diễn từ của Phêrô). Phần kết luận mời gọi hoán cải để đón nhận ơn tha thứ nhờ vào lòng tin chứ không dựa vào Lề luật. Trong khi Do thái ghen tức chống đối, nhiều người ngoại xin tòng giáo. Các bà có cảm tình với Do thái can thiệp với các phu quân lãnh đạo thành phố ra lệnh trục xuất các nhà rao giảng. Từ đó Phaolô lên đường rao giảng cho các dân ngoại, như ngôn sứ Isaia đã loan báo về sứ vụ của người Tôi Tớ: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho mọi dân tộc để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. 
 
Các ngài đến Iconium, một thành phố rộng lớn thuộc miền Glatie. Tại đây, cũng xảy ra những biến cố tương tự như tại Pisidie (Cv 14, 1-3). Lần đầu tiên Phaolô và Banaba được danh hiệu Tông đồ (14,4). Những người Do thái quá khích làm nhục và ném đá các ngài (Cv 14, 5). Các ngài đi đến Lystres, một thị trấn nhỏ toàn dân ngoại. Tại đây xảy ra hai sự kiện :  - Phaolô chữa bệnh cho một người què bẩm sinh (Cv 14, 8-10) khiến dân chúng tung hô các ngài là thần. Phaolô mạnh dạn rao giảng cho họ từ bỏ các ngẫu tượng do con người vẽ ra để quay về nhận biết Thiên Chúa thật. - Phaolô bị ném đá nhưng được cứu cách mầu nhiệm :“Họ ném đá Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành” (Cv14, 19b-20a).  
 
Sau đó, các ngài tiếp tục lên đường đi Đecbê, nơi dừng chân cuối cùng của hành trình thứ nhất. Tại Đerbê, tác giả chỉ nói vắn tắt các ngài loan Tin mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều các môn đệ (Cv14, 21).
 
Tóm lại, hành trình I từ Antiokia qua những chặng Lystres, Iconium, Pisidie, Pergê, Đerbê. Tại mỗi nơi, Phaolô rao giảng tại hội đường; Do thái chống đối, nhiều người ngoại tin và xin tòng đạo, Phaolô lập giáo đoàn và cử các kỳ mục coi sóc (Cv 14,23). Khi chọn chặng đường phức tạp như thế, tác giả Luca muốn minh họa tấm gương truyền giáo nhiệt thành và khôn ngoan của Phaolô: cần thiết phải trở lại những cộng đoàn mới thiết lập để củng cố niềm tin và hoàn thiện công việc đã khởi sự (Cv 14,22), đồng thời nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn thiết lập với Giáo hội mẹ Giêrusalem.  
 
Hành trình II 
 
Theo Công vụ, không bao lâu sau, Phaolô và Banaba quyết định thực hiện cuộc hành trình II. Banaba muốn dẫn theo Marcô, Phaolô không đồng ý vì Marcô đã bỏ về nửa chừng (Cv 13, 13). Thế là mỗi người một ngã: Banaba cùng Marcô đi Sýp, Phaolô dẫn Sila đi Syrie và Kilikia, ngang qua những cộng đoàn đã thiết lập. Tại Lystres, Phaolô gặp và chọn Timôthê làm môn đệ sau khi cho anh chịu cắt bì. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất vì Phaolô dạy chỉ đức tin mới đem lại cứu độ (Rm 3,20), cắt bì không có giá trị gì (Gl 5,6; 6,15).  
  
Galát.  Phaolô đến Phrygie và Galát (15,41;16,6), tương ứng với Gl 4, 13-14: “Anh em biết: nhân khi bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên”. Như thế, do bị bệnh mà Phaolô đã ghé đến Galát. Dân Galát thành tâm lắng nghe Tin mừng, tin vào Đức Giêsu chịu đóng đinh và xin lãnh nhận Thánh tẩy. Trong thời gian Phaolô bị bệnh, họ chăm sóc Ngài như một người cha. Còn Ngài sẽ có dịp ghé thăm họ thêm một lần nữa. Khi nghe tin họ lo lắng trước những đe dọa của những người Do thái quá khích, Phaolô gởi cho họ bức thơ rạo rực tình phụ tử để khuyên bảo họ luôn trung thành với Tin mừng đã lãnh nhận (Thơ Galát).
 
Troa.  Từ Galát, Phaolô đến Trô-a. Tại Troa, Phaolô gặp Luca, một y sĩ thuộc gia đình ngoại tòng giáo, và đã thu nhận Luca làm môn đệ. Một đêm, Phaolô ngủ mơ thấy một người mặc y phục Macêđônia thúc giục Ngài mau đến giúp xứ ông. Thức dậy, Phaolô hiểu đó là thánh ý Chúa, nên cùng với Luca tìm tàu đi Macêđônia.  
 
Philippê.  Từ Trôa, các ngài đến Philippê, thành phố phần đông gồm những cựu chiến binh. Đặt chân lên thành phố,   Phaolô liên lạc với cộng đoàn Do Thái. Cộng đoàn không có hội đường mà chỉ có nơi cầu nguyện (proseukhê) xa thành phố. Tại đây, bà Lydia, một nhà buôn gấm vóc, xin tòng giáo và quảng đại giúp đỡ các nhà truyền giáo. Phaolô đã thiết lập cộng đoàn Philipphê và giao cho Luca trách nhiệm   coi sóc. Tại Philippê, một cô gái bị quỷ ám làm nhiều pháp thuật đem lại lơiï nhuận cho các ông chủ. Phaolô trừ quỷ cho cô. Mất đi mối lợi, họ tố cáo Phaolô gây xáo trộn trong thành, truyền bá những tập tục nghịch với Roma. Đám đông nổi lên chống đối Phaolô. Quan toà truyền đánh đòn và bắt hai ông tống ngục. Nửa đêm, đang lúc Phaolô và Sila cầu nguyện, Chúa đã cứu hai ngài cách kỳ lạ. Viên cai ngục cùng gia đình xin tòng giáo.  
 
Thessalonica. Rời Philippê, Phaolô và các bạn đến Thessalonica, trọ tại nhà Jason (Cv 17, 5-9)và làm nghề dệt vải. Trong ba ngày sabbat liên tiếp Phaolô đến hội đường rao giảng (Cv 17,2). Trong khi những người Do thái không tin mà còn đuổi ngài ra khỏi hội đường, thì nhiều người dân ngoại đã tin và tòng giáo. 1Tx1,9 cho biết Phaolô thiết lập cộng đoàn Tx  gồm rất nhiều người trước đây thờ ngẫu tượng (1Tx 5,12-13). Tức giận và ghen tức khi thấy nhiều người ngoại trở lại và cũng được hưởng cứu độ, những người Do thái tìm cách chống phá. Họ tố cáo Phaolô đã làm hại đến uy quyền hoàng đế khi rao giảng về vương quyền của một Giêsu nào đó. Trước tình hình căng thẳng, dù rất muốn ở lại lâu hơn để nâng đỡ và khích lệ niềm tin của các tân tòng, Phaolô buộc phải ra đi (1Tx 3,5).  
 
Bêrê.  Rời Thessalonica, Phaolô, Sila và Timôthê đến Bêrê. Tại đây, có hội đường Do thái và nhiều người thiện cảm với đạo (craignant Dieu). Ngày sabbat đầu tiên, Phaolô đến rao giảng, nhiều người xin theo đạo, trong đó có nhiều bà thuộc giai cấp quý tộc. Những người Do thái đến từ Thessalonica tiếp tục quậy phá. Phaolô buộc phải trốn đi, để lại Sila và Timôthê chăm sóc cộng đoàn mới thiết lập.  
 
Athènes.  Phaolô đến Athènes, thành phố trung tâm văn hóa Hy Lạp, nơi gặp gỡ mọi hệ thống triết học, nhiều đền đài tôn giáo. Quảng trường Athènes là nơi hội ngộ các văn sĩ, thi sĩ,   triết gia, đặc biệt phái Khắc kỷ và Hưởng lạc. Họ gặp nhau để phổ biến các hệ tư tưởng, để tranh luận… Phaolô đã diễn thuyết hùng hồn tại Athènes minh chứng Thiên Chúa sáng tạo, các thần chỉ là ngẫu tượng do con người tạo ra. Đức Kitô đã thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chết và sống lại để trở nên Đấng Thẩm phán cánh chung của toàn nhân loại. Khi nói về sự sống lại, mọi người bỏ đi vì họ không thể chấp nhận sự sống lại (theo quan niệm triết lý Hy lạp).     
 
Côrinthô. Từ Athènes, Phaolô đi dọc theo đường bộ đến Côrintô. Côrintô là thành phố lớn nhờ vào sự giao thương giữa hai cảng Cenchrées trên biển Eâgê, những trò giải trí cuốn hút du khách, tạo cho Côrintô thành nơi ăn chơi. Tại Côrintô, còn có Đền thờ Aphrodite với hàng ngàn điếm mại thánh (theo sử gia Strabon). Công vụ cho biết - Phaolô gặp vợ chồng Aquila và Priscilla bị trục xuất khỏi Rôma do sắc chỉ hoàng đế Claude (Cv 18,2) và họ đã đến Cor vào năm 50-51. - Gallion làm tổng trấn Achaia vào những năm 50-51, và rời khỏi Côrintô trước mùa đông 51. Như thế, việc Phaolô ra trước tòa Gallion (Cv 18, 12-17) phải là năm 50, muộn nhất là trước mùa đông 51. Như thế, Phaolô đến Corinthô vào khoảng năm 50. Tại Corinthô, Phaolô làm nghề dệt vải với vợ chồng Aquila, và rao giảng tại hội đường vào ngày sabbat (18,4). 
 
Đối với Do thái, Phaolô gặp những chống đối ngày càng mãnh liệt (Cv 18, 6-7), nên phải bỏ Do thái để đến với dân ngoại (Cv 18, 6-7), trú ngụ tại nhà Titius Justus, một người ngoại kính sợ Thiên Chúa. Phaolô đạt được những kết quả khả quan trong việc rao giảng. Ông trưởng hội đường Crispus cùng cả nhà trở lại (Cv 18,8; 1Cr 1, 14). Nhiều người khác tin và chịu phép rửa (Cv 18,8). 
 
Côrintô gồm số ít kitô hữu Do thái và đa phần là người ngoại trở lại. Tín hữu Do thái thì bối rối trước vấn đề ăn thịt cúng (1Cr 8) vì nghĩ ăn thịt cúng là hiệp thông với ma quỷ (1Cr 10, 20). Những người ngoại lại coi thường việc tà dâm, và khó chấp nhận giáo huấn về sự sống lại. Trên bình diện xã hội, Côrintô gồm đa phần là người nghèo và nô lệ, chỉ một thiểu số giàu sang, vì thế có sự kỳ thị. Do đó mà Phaolô nói trong 1Cr12, 13: “Tất cả chúng ta dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta hết thảy đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Phaolô   đánh giá các kitô hữu Côrintô về mặt xã hội như sau: “Anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan, đâu có mấy người quyền thế mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không có phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1, 26-29). Những lời trên đây cho thấy phần lớn cộng đoàn là những kẻ thấp bé, nghèo hèn, nô lệ. Họ thường là những người đến dự bữa ăn của Chúa chậm trễ sau suốt một ngày lam lũ và do đó không còn gì để ăn vì mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1Cr11, 21). 
 
 Sự chung đụng giữa nhiều thành phần khác nhau ấy tạo nên nét đặc thù của giáo đoàn Côrintô, nhưng cũng gây nhiều căng thẳng. Đã có lần Phaolô nói Đức Kitô là một chứ không bị phân chia (1Cr1, 13) để nhắc nhở tinh thần hiệp nhất và agapè trong cộng đoàn (x. 1Cr11, 20s).
 
 Băn khoăn về giáo đoàn Thessalonica mới được thiết lập,  Phaolô sai Timôthê thay ngài đến thăm giáo đoàn. Khoảng hai tháng sau, Timôthê trở lại đem theo những thông tin tốt lành. Trong hoàn cảnh một mặt bị những người Do thái chống đối tại Côrintô, mặt khác cảm thấy an lòng trước tình hình giáo đoàn Thessalonica, Phaolô viết thơ khích lệ niềm tin của giáo đoàn và mạnh mẽ chỉ trích người Do thái chống phá việc loan Tin mừng cho dân ngoại (1Tx 2, 14-16). Như thế, thơ 1 Tx được viết trong thời gian đầu ở Côrintô, tức khoảng năm 50. Đây là bút tích đầu tiên của Kitô giáo. Nhiều nhà chuyên môn nhận định thơ 2 Tx không phải do Phaolô, dù lấy lại chủ đề của 1Tx, vì cái nhìn hoàn toàn khác về ngày Chúa quang lâm; nên có lẽ do một tín hữu thời sau, mạo danh Phaolô, viết để dạy dỗ và huấn dụ các tín hữu, đặc biệt trong việc sống đức tin chuẩn bị ngày Chúa quang lâm.
 
Trở về Antiokia. Phaolô đi theo đường biển, ghé thăm Êphêsô và hứa sẽ trở lại. Ngài trở về Giáo hội mẹ Giêrusalem (Cv 18, 18-22). Aquila và Priscille tháp tùng Ngài đến tận Êphêsô (Cv 18,19). Tại cảng Cenchrées, Phaolô xuống tóc vì đã có lời khấn (Cv 18, 18). Đây là một nghi lễ thánh hiến theo tập tục Do Thái (Ds 6): kiêng cử rượu, cạo đầu trong một thời gian.     Luca không rõ về luật lệ, chỉ viết lại để đề cao sự trung thành của Phaolô với tôn giáo và lề luật. Không rõ khi ngang qua Cenchrées, Phaolô có thiết lập cộng đoàn ở đây hay không, chỉ biết Rm 16,1 nhắc đến một Phêbê, nữ trợ tá Hội thánh Cenchrées, đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả Phaolô, đến từ  Côrintô hay các nơi khác. 
Công đồng Giêrusalem
 
Nếu Phaolô rời Côrintô vào mùa thu 51, quay về Antiokia có thể kéo dài vài tháng, có thể đoán Công đồng Giêrusalem xảy ra vào năm 52. Mục đích bàn cải luật cắt bì cho người ngoại gia nhập đạo. Đây hẳn là cuộc tranh luận gay go giữa Phaolô và một số người kitô hữu gốc Do Thái. Theo Gl 2,4-5 chính tại Hội thánh mẹ Giêrusalem nổi lên sự đòi buộc gắt gao phải cắt bì cho người ngoại trở lại. Tại sao? Khi thiết lập Giao ước với Abraham, Thiên Chúa coi việc cắt bì như dấu hiệu Giao ước (St 17,11). Luật cắt bì không chỉ  nhằm vào con cháu trực tiếp, nhưng ngay cả những nô lệ sinh ra trong nhà hay được mua về. Luật cắt bì được áp dụng cho những người nhập đạo và được xem như dấu hiệu gia nhập dân của lời hứa. Do Thái cho rằng những “người kính sợ Chúa”, tuân theo các giáo huấn luân lý mà không chịu cắt bì thì cũng chỉ đứng ở ngưỡng cửa cứu độ; chỉ những ai được cắt bì theo Luật dạy mới thật sự thuộc về dân được tuyển chọn, nhưng cũng chỉ là “công dân hạng hai”. Thừa kế quan niệm ấy, các kitô hữu gốc Do Thái chủ trương người ngoại trở lại phải được cắt bì, nếu không chỉ là kitô hữu hạng hai. Miễn chuẩn cắt bì cho họ tức tạo nên đối nghịch và làm cản trở cho việc rao giảng Tin mừng. Những thành viên chủ trương cắt bì còn chia làm hai: Có người cho đó là việc tối cần thiết, có kẻ nghĩ đó là việc hoàn thiện phép rửa tội. 
 
 Phaolô bày tỏ lập trường trong Gl 2, 1-10. Ngài cho rằng việc cắt bì có hiệu lực không? Đâu là sự mới mẻ mà sự chết và sống lại của Đức Kitô đem đến cho nhân loại? Đâu là nền tảng của ơn công chính: việc tuân giữ Luật hay là niềm tin vào Đức Kitô? Phaolô nhắc lại chính các vị trụ cột của Hội thánh là Phêrô, Giacôbê và Gioan thảy đều nhìn nhận sự tự do của dân ngoại đối với Lề luật và không đòi hỏi gì nơi Phaolô ngoài việc lo lắng cho những người nghèo. Và Phaolô rất nhiệt tâm đáp ứng lời kêu gọi ấy. 
 
Ngoài điều chính yếu là không nên Do thái hóa người ngoại trở lại bằng cắt bì, Công Vụ nói lên 4 đòi hỏi tối thiểu để tạo nên cuộc sống hài hòa giữa hai bên kitô hữu gốc Do Thái và gốc ngoại (Cv 15, 20-21. 28-29; 21,25), đó là: kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng (không dùng bữa chung với người ngoại); tránh gian dâm (Lv 18, 6-18); kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết; kiêng ăn tiết.  
 
Luca nói rõ là Phaolô và các bạn đồng hành truyền đạt cẩn thận các huấn lệnh này trong những thành mà các ngài đi qua (Cv 16,4). Thế mà, ta không gặp thấy nơi nào trong các thơ Phaolô đề cập đến các giáo huấn tương tự. Trong 1Cr 8-10, Phaolô nói đến việc ăn của cúng và những bữa cơm trong các Đền thờ ngoại, nhưng không nói gì đến quyết định trên của Công đồng; bởi chưng với tư cách Tông đồ, Ngài có đủ uy tín để dạy dỗ và huấn thị các cộng đoàn. Vậy quyết định này xuất phát từ đâu? Chắc chắn phải từ một nguồn chính thức: đó chính là Giêrusalem dưới sự hướng dẫn của Giacôbê. Một điều đáng lưu ý nữa đó là: Hội thánh Antiokia cử Phaolô và Banaba lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và kỳ mục để bàn về cuộc tranh luận khá gay go về cắt bì (Cv 15, 1-2). Thế nhưng trong Công đồng không hề thấy Phaolô lên tiếng mà chỉ có Phêrô đọc diễn từ giải quyết vấn đề và sau đó Giacôbê kết luận vấn đề với một quyết định bốn đòi hỏi. 
 
Sau đó các Tông đồ chọn Giuđa (Basaba) và Sila đi theo Phaolô và Banaba về Antiokia đem theo bức thơ quyết định của Công đồng. 
 
Hành trình III  
 
Gần hai năm sau Công đồng Giêrusalem, vào cuối năm 53   Phaolô thực hiện cuộc hành trình III, cũng theo con đường hành trình II để có thể thăm ủy lạo những giáo đoàn trẻ mới thiết lập. Ngài đi qua Galát và Phrygia, đem theo Titô, Timôthê và Êraste.
 
Phrygia. Phrygia nổi danh nhờ việc thờ thần Cybèle mà người dân coi là mẹ chư thần, và thần Attis. Người ta cử hành tế tự vào đầu xuân là thời kỳ cây cối đâm chồi nẩy lộc. Ban đầu, việc tế tự chỉ diễn ra tại Pessinonte, thủ đô của Phrygia, nhưng dần về sau lan tràn rộng rãi kèm theo những rước sách và vũ hội.  
 
Ephêsô.  Từ Phrygia, Phaolô lên đường tới Êphêsô. Trong sứ vụ truyền giáo của Phaolô, Êphêsô chiếm vai trò quan trọng, không những vì đây là giáo đoàn lớn mà niềm tin chiếu tỏa đến các vùng lân cận, mà còn vì nhiều bức thơ quan trọng mà thánh nhân viết tại đây. Sách Công vụ ghi lại hoạt động của Phaolô tại đây trên hai năm. Dựa trên những chỉ dẫn trong 1 - 2Cr và Pl, ta có thể phác họa mấy nét về thời kỳ này. 
Xã hội và tôn giáo
 
Từ năm 133, Êphêsô thuộc quyền Rôma, được tự quản theo hệ thống hành chính của đế quốc, và bắt đầu phát triển.
 
 Ephêsô có đền thần Artêmis do hàng tư tế đông đảo chăm sóc. Hàng năm, vào tháng Artémission (tháng tư), người ta tổ chức rước kiệu nữ thần và nhiều cuộc giải trí cuốn hút du khách.   Cạnh đền Artêmis, có nhiều đền thờ các thần khác, và việc thờ hoàng đế được coi là việc tế tự chính thức.  
 
Hoạt động của Phaolô tại Êphêsô
 
Khi Phaolô đặt chân đến Êphêsô, đã có mặt Aquila và Priscilla; thứ đến là Apôlô, người có tài hùng biện và thông thạo Thánh kinh (Cv 18,24). Tuy mới nhập đạo nhưng rất nhiệt thành rao giảng về Đức Giêsu (Cv 18,25-26). Aquila và Priscilla đã giúp ông đào sâu giáo lý Kitô giáo (Cv 18, 26). Tại đây, còn có nhóm 12 môn đệ của Gioan (Cv 19, 7). Phaolô đã làm phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu và đặt tay ban Thánh Thần xuống trên họ (Cv 19, 6). Để biết hoạt động của Phaolô tại Eâphêsô, ta có thể   dựa trên những trình bày của Công Vụ và những chỉ dẫn trong 1-2Cr và Pl. Sách Cv ghi nhận hai giai đoạn: Rao giảng tại hội đường suốt 3 tháng (Cv 19,8), gặp sự chống đối mãnh liệt của người Do Thái và rao giảng cho dân ngoại hơn hai năm (19,9-10),  đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Những người ngoại trở lại nổ lực cộng tác với vị Tông đồ để rao giảng, nhờ đó mà nhiều cộng đoàn mới được thiết lập trong các thành khác, như  Côlôsê, Laodicée và Hierapolis.
 
Cv thuật lại nhiều giai thoại : những người làm nghề trừ quỷ bắt chước Phaolô đọc công thức nhân danh Đức Giêsu (19, 11-18), những phù thủy trở lại (19, 18-20), đám thợ bạc gây rối (Cv 19,23-40), để cho thấy những thành công của Phaolô trong việc truyền giáo. 
Những thử thách. Trong 2Cr 1, 8 Phaolô viết: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên Asia: Chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi”.  Trong 1Cr 15, 32 Ngài viết: “Nếu vì những lý do phàm trần mà tôi đã chiến đấu với thú dữ tại Êphêsô, thì điều đó nào có ích gì cho tôi?”. Đâu là những gian truân thử thách mà Phaolô phải chịu? Chiến đấu với thú dữ là kiểu nói biểu tượng diễn tả những thử thách mà Phaolô phải đón nhận : sự gây rối của đám thợ bạc (2Cr), những kẻ truyền bá   đạo lý nghịch với lời rao giảng của Phaolô (Rm 16,17-20), những người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô (Pl). Điều này cũng phù hợp với những gì mà Phaolô nói trong thơ Rôma: “Anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp phạm vì đi ngược lại với đạo lý anh em đã học hỏi. Hạng người đó chẳng phục vụ Đức Kitô  mà phục vụ chính cái bụng của mình” (Rm 16, 17-18). Nói tắt, thử thách lớn nhất mà Phaolô phải đương đầu, đó là sự chống đối của những Do Thái quá khích đòi buộc người ngoại trở lại phải cắt bì, và tìm đủ cách để triệt hạ Phaolô (x. Rm 16,3-5). Trong Rm 16,7 Phaolô gởi lời cám ơn Andronicus và Junia là những người cùng ngồi tù với ngài (Rm 16,7). Phải chăng Phaolô muốn nói đến việc ngài bị tù ở Eâphêsô.  
 
Tóm lại, thử thách mà Phaolô nói đến trong 1Cr 15,32 và 2Cr 1,8 là sự quậy phá của đám thợ bạc, sự ghen ghét của những người Do thái, sự tù đày (Pl 1,13), những bách hại thể lý bởi những trận đòn và bệnh hoạn. 
 
Thư 1-2 Côrintô . Thời gian tại Êphêsô, Phaolô nắm bắt khá rõ tình hình sống đạo của giáo đoàn Corinthô. Vì thế, ngài đã viết các thơ cho giáo đoàn này. 1Cr 5,9 cho biết thơ đầu tiên đã mất. Sau khi sai Timôthê đi Côrintô xem xét tình hình (1Cr4,17; 16,10), Phaolô nhận được thơ của giáo đoàn xin làm sáng tỏ một số vấn nạn (1Cr 7,1), tiếp đến một ít người do chị Chloé cử đến thông tin hiện tình giáo đoàn (1Cr 1,11), sau đó một phái đoàn 3 người là Stêphanas, Fortunatus, và Achaius đến thăm Phaolô (1Cr 16, 17-18) đem lại những tin tức tốt lành (1Cr 16,18). Ngài đã viết thơ 1Cr khoảng năm 54, với những nội dung chính : chỉ trích sự chia rẽ trong cộng đoàn (1,10- 4,31), những chỉ dẫn về hôn nhân và đồng trinh (7, 1-40; cf. 7,1), trả lời những thắc mắc: ăn thịt cúng (ch. 8-10), đặc sủng (12-14), việc lạc quyên (16,1-7). Phần cuối 1Cr16, 5-8 nói đến dự định đi Macêđônia và đến Côrintô qua đông. Chương trình thay đổi khi Timôthê trở về báo cho biết có ít người xuyên tạc về bản thân và uy thế Tông đồ của Phaolô. 2Cr giúp tìm hiểu phần này. 
 
Ta ghi nhận trong 2 Cr một đứt đoạn giữa chương 9 và chương 10 về cả giọng văn lẫn nội dung. Thực vậy, ch. 9 Phaolô khen ngợi sự nhiệt thành quảng đại của giáo đoàn Côrintô trong việc lạc quyên, đầu ch.10, Phaolô nại đến quyền Tông đồ phản đối các kình địch. Xuyên suốt từ 1-9 Cr, Phaolô bày tỏ sự hài lòng với giáo đoàn Côrintô vì lòng trung thành và sự gắn bó với Tin mừng đã lãnh nhận (7, 6.11.13.16), nhưng sau đó, từ 2Cr 10-13, Phaolô trách  giáo đoàn không được như lòng mong ước (12, 20) và mời gọi hoán cải (12,21). 
 
Nhận định trên giúp ta hình dung như sau: Khi nghe Timôthê trở về tường trình tình hình Côrintô, Phaolô quyết định đi Côrintô. Sau thời gian ngắn ngủi tại Côrintô, Phaolô đau lòng trở lại Êphêsô vì giáo đoàn tụt dốc và bản thân bị xúc phạm (7,8-12), viết lá thơ trong nước mắt (2Cr2,1-6). Trước khi rời Eâphêsô đi Macêđônia, Phaolô giao thơ cho Titô và sai đi Côrintô dàn xếp vấn đề. Titô gặp Phaolô mang theo những thông tin tốt lành như kết quả của bức thơ đã được gởi đi (7, 6-16). Phaolô bày tỏ sự nhẹ nhỏm qua bức thơ mà ta giới hạn trong 2Cr 1-9. Thơ này được giao cho Titô và Titô vội vã đến Côrintô triển khai việc lạc quyên (8, 6.16-17).  
 
Ít lâu sau khi gởi thơ trên, Phaolô nhận được những tin tức mới cho biết có một số người từ xa đến với thơ uỷ nhiệm (11, 4; 3, 1) tự xưng Tông đồ (11, 5.13; 12, 11-12), tôi tớ Đức Kitô (11, 23), truyền bá một giáo thuyết mà Phaolô kết án là khác với những gì Ngài đã rao giảng (11, 4). Phaolô đã viết thơ để biện minh thế giá Tông đồ của mình khi nói đến những ơn lạ mà Ngài được lãnh nhận như ơn xuất thần  (2Cr 12, 1-4), làm phép lạ (12, 12). Ngài cũng nói lên những thành quả trong công cuộc truyền giáo (10, 15-18). Ngài biện giải việc quyên góp đang bị các đối thủ công kích và khẳng định không hề lợi dụng của quyên góp này. Phaolô kết luận đó là những Tông đồ giả, thuộc Satan (11, 13-15). Cả hai  ghép thành 2Cr như hiện nay. Như thế, 1-2 Cr gồm : 1Cr, 2Cr1-9, 2Cr 10tt.
Thư Galát 
 
Thời gian lưu lại Macêđônia, Phaolô viết thơ Galát. Sau khi Phaolô viếng thăm Galát lần thứ hai (Gl 4,13; Cv 18,23), xuất hiện những nhà giảng thuyết đả kích việc truyền giáo của Phaolô và thế giá Tông đồ của Ngài. Họ kết án Phaolô đã chủ trương không cắt bì cho dân ngoại trở lại, như thế thì Phaolô không phải Tông đồ đích thực vì đã phản lại các Tông đồ. Nhóm người này tự cho mình trách nhiệm đến sửa sai. Không rõ họ là ai và từ đâu đến. Nhưng qua thơ Galát, ta có cảm tưởng họ là những nhân vật quan trọng thuộc Giáo hội Giêrusalem được cử đến thanh tra hoạt động truyền giáo của Phaolô. Phaolô đã quyết liệt phản ứng vì coi đó như mối nguy hại cho sứ vụ truyền giáo của Ngài, cũng như cho đời sống đức tin của các kitô hữu mới nhập đạo. Đọc thư Galát, ta ghi nhận Phaolô biện minh cho thế giá Tông đồ của mình và giáo thuyết về sự công chính hóa nhờ đức tin, đồng thời trấn an giáo đoàn vững lòng tin trước những giáo thuyết sai lạc. 
Thơ Rôma
 
  Theo Cv 20,2 Phaolô tới Achaia và ở lại đó 3 tháng. Dịp này, ngài viết thơ Rôma. So sánh với Galát, thơ Rôma triển khai sâu xa giáo thuyết về sự công chính hóa. Ngài cho biết đã hoàn thành việc rao giảng tại các vùng phía Đông đế quốc (Rm 15,23), hoàn thành việc lạc quyên tại Macêđônia và Achaia (15, 26-27) và sẽ mang về Giêrusalem (15, 28.30-31). Như thế ta có thể xác định thơ được viết tại Achaia cuối hành trình truyền giáo III, vào mùa đông 58. Phaolô viết thơ Rm để  nhờ giúp ngài tiếp tục rao giảng tại vùng đất mới Tây Ban Nha (15, 22-29) và triển khai giáo thuyết về sự công chính hóa, như ân sủng những không của Thiên Chúa. Được cứu độ không do việc tuân giữ Luật, nhưng do lòng tin vào tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.    
 
Trở về Giêrusalem
 
Đầu xuân năm 58, Phaolô quyết định trở về Giêrusalem   bằng đường biển (Cv 20,3). Được biết người Do thái muốn âm mưu sát hại, Phaolô đổi hành trình bằng cách đi ngang qua Macêđônia. Ngài đem theo Timôthê, Sopatros (Rm 16,21), Aristarque (Cl 4,10; Pl 24; Cv 19, 29), Gaius (Cv 19,29; 1Cr1,14; Rm 16,23), Tychikos (Cl 4,7; Ep 6,21; 2 Tm 4,12; Tt (3,12), Trophime (2Tm 4,20) và Luca. Sau lễ Vượt qua tại Philipphê, phái đoàn đi Néaopolis, đến Trô-a, ngụ tại nhà Carpos. Trước khi rời đây, Phaolô phục sinh Eutychos. Câu chuyện gợi lại 1V 17,21; 2V 4,34 đồng thời giúp liên tưởng đến phục sinh của Đức Kitô.  
 
Từ cảng Assos, Phaolô đi qua các chặng Mitylène, Chio, Samos, Trogyllion để cuối cùng cập bến cảng Milet. Phaolô gặp gỡ các vị trưởng lão lãnh đạo Giáo đoàn Êphêsô và nói bài diễn từ từ biệt (Cv 20,18-35). Nhập đề, Phaolô gợi lại sự tận tình yêu mến Ngài dành cho Êphêsô trong những năm qua và việc Ngài không ngừng giảng dạy giáo đoàn, kể cả những gian truân thử thách. Sau đó, báo trước những đau khổ đang chờ đợi tại Giêrusalem vì làm chứng cho Tin mừng. Cuối cùng, kêu gọi các trưởng lão hãy nhiệt tâm phục vụ giáo đoàn và giữ mình cũng như giáo đoàn khỏi mọi lạc thuyết, nhất là hãy sống tinh thần phục vụ vô vị lợi mà ngài đã làm gương và thực thi bác ái. Mọi người chăm chú lắng nghe lòng những bồi hồi xúc cảm nhất là khi nghe Ngài nói sẽ không còn gặp lại ngài nữa. Họ tiễn ngài đến tận chân tàu…. 
 
Phaolô đến Tyr và từ Tyr đi Giêruslaem (Cv 21, 4-5).  
 
IV. Chứng Nhân Tử Đạo
 
1. Tiếp kiến với Hội thánh Giêrusalem
 
Giacôbê họp các vị trưởng bối đón tiếp Phaolô. Họ vui mừng lắng nghe Phaolô tường trình công việc truyền giáo cho dân ngoại với những kết quả đạt được mà việc lạc quyên giúp Giáo hội mẹ là một bằng chứng cụ thể. Giacôbê   băn khoăn về việc Phaolô bỏ luật cắt bì khiến các kitô hữu  hoang mang. Cv minh tỏ Phaolô không hề dạy bỏ Torah, nhưng khẳng định ơn cứu độ không do việc tuân giữ luật Môisê và cắt bì (1Cr7,19; Ga 5,6; 6,15); ngoài ra, Phaolô đả kích việc tách riêng dân ngoại (nơi bàn ăn). Để đánh tan dư luận, Giacôbê đề nghị Phaolô công khai tuyên thệ trong Đền thờ. Thực tế, Phaolô đã làm lời nguyền này nói trong Công Vụ 18,18. Bây giờ chỉ còn phải làm phần cuối nghi thức trong hai ngày cuối cùng của tuần nghi thức 7 ngày, đó là việc thanh tẩy và dâng lễ vật trong Đền thờ. Phaolô sẵn sàng   thực hiện nghi thức này để minh chứng mình hoàn toàn gắn bó với Do Thái, với Lề luật, và nhất là để bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo hội, như có lần Ngài đã viết trong 1Cr9,19-20: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục Do Thái. Phaolô đã từng đưa ra nguyên tắc Lề luật không còn cần thiết cho việc cứu độ; duy chỉ có đức tin vào Đức Kitô mới là nguồn duy nhất của ơn công chính hóa. Đưa ra giáo thuyết này, ngài không hề chống lại hoặc loại bỏ Do Thái; ngài muốn đặt người ngoại được tự do trước những đòi hỏi của luật Do Thái, chứ không dạy Do Thái chống lại Lề luật. Hơn nữa, ngài luôn muốn làm tất cả để được lợi cho Đức Kitô. Vì thế, do lòng bác ái thúc đẩy, ngài sẵn sàng thực hiện điều Giacôbê đề nghị để tạo nên sự hiệp nhất và tránh những khó khăn trong giáo đoàn. 
 
2. Phaolô bị bắt  
 
Trong thơ Rôma, Phaolô nói đến “những người miền Giuđê không chịu tin” ghen ghét bủa vây ngài (15,31). Cv 9,29 nói người Do Thái tại Giêrusalem muốn giết Phaolô. Trong thơ Thessalonica, Phaolô nói đến những bách hại do lòng ghét ghen của người Do Thái trước công việc Tông đồ của ngài đối với dân ngoại (1Tx 2,2. 14-16; 2Cr 11, 24). Những điều này giúp ta hiểu được người Do thái tại Giêrusalem coi Phaolô như một cái đinh cần phải nhổ đi. Vì thế, sau khi đến Giêrusalem gặp gỡ Giacôbê,   Phaolô bị bắt. Câu chuyện xảy ra tại Đền thờ Giêrusalem (Cv 21, 27) khi Phaolô đưa Trophime (không cắt bì) vào nơi cực thánh (Cv 19,4). Người ta bắt Phaolô và muốn ném đá ngài. Nhờ sự can thiệp của đội quân tuần tiểu Lamã, Phaolô bị bắt do bị nghi ngờ là người trước đây đã một lần cầm đầu cuộc nổi dậy chống chính quyền Rôma nhưng thất bại và trốn chạy. Đám đông Do thái theo sau hò hét đòi giết (gợi nhớ lại việc Đức Giêsu  bị bắt và điệu ra trước tòa). 
 
a. Diễn từ cho Do thái
 
Khi sắp vào đồn, Phaolô nói bài diễn từ với đám đông Do Thái (Cv 2, 1-21). Phaolô biện bạch mình là người Do Thái học tại Giêrusalem để trở thành biệt phái, đã nhiệt thành với Lề luật đến nổi bắt bớ bách hại các kitô hữu khắp nơi. Nhưng sau đó đã được Đức Kitô phục sinh hiện ra trên đường Damas, biến đổi và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho dân ngoại. Luca đặt trên môi miệng Phaolô diễn từ này để minh chứng thái độ cứng tin của Do Thái, đồng thời làm nổi bật sứ vụ tông đồ phổ quát của Phaolô. Dân ngoại cũng được Chúa thương cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô chứ không phải vì được sát nhập vào Do Thái. Khi được biết Phaolô là công dân Rôma, viên chỉ huy cho giải Phaolô ra trước thượng hội đồng Do Thái. Biết trong Hội đồng có Biệt phái lẫn Sađốc, Phaolô xưng mình thuộc Biệt phái. Thế là sự mâu thuẫn xảy ra, khiến công nghị không thể quyết định được gì.  Vị chỉ huy giải Phaolô về Xêdarê cho tổng trấn Félix. Hội dồng Do Thái cho người tố cáo gian Phaolô trước tòa tổng trấn (Cv 24,1-9). Phaolô tự biện hộ (Cv 24, 10-21). Tổng trấn Festus   nhận định những tố cáo của Do Thái chỉ liên quan đến một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết vẫn sống (Cv 25, 19), nên đề nghị chuyển Phaolô về xử tại Giêrusalem. Phaolô với tư cách công dân Rôma kháng cáo lên hoàng đế César (Cv 25, 11-12).
 
b. Diễn từ trước Agrippa
 
Nhân cơ hội vua Agrippa II cùng em là Bérénice đến thăm xã giao quan tổng trấn vừa nhận chức, quan tổng trấn Festus truyền Phaolô hầu toa. Phaolô phát biểu bài diễn từ   trước mặt vua. Phaolô kể lại quá khứ Do Thái của mình, sau đó nói đến cuộc trở lại và sứ mệnh Tông đồ của mình. Qua diễn từ, Luca muốn làm nổi bật ba yếu tố nền tảng của lời rao giảng tiên khởi trong Giáo hội (kerygma):  Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, hoàn tất Lời Kinh Thánh; Kêu gọi hoán cải; tin vào Đức Giêsu để được cứu độ. Festus làm bản báo cáo lên hoàng đế và ra lệnh áp giải Phaolô đi Rôma để được xét xử trước hoàng đế theo yêu cầu.  
 
Về phương diện lịch sử, khó có thể hiểu vua Agrippa II (50-100) và bà chị Bérénice vốn ác cảm với Drusilla, vợ Félix, đến viếng thăm ngài tổng trấn. Lại nữa, để tỏ lòng tôn trọng các vị khách quý này, làm sao Festus có thể mời họ đến dự phiên toà mà ông không thể phân xử. Sau cùng, tác giả như muốn đặt song song đoạn này với vụ án Đức Giêsu. Trong cả hai trường hợp, bị cáo được giải đến trước tòa quan tổng trấn Rôma và vua Do Thái (cf. Lc 23, 1-12): Philatô và Festus, Hêôđê Antipas và Agrippa II. Họ đều liên kết chống lại Đức Giêsu và Phaolô (cf. 4, 26-27), nhưng âm thầm nhận ra sự vô tội của bị cáo dù đứng trước nhiều lời tố cáo.    
 
2. Chứng nhân bị xiềng xích
 
a. Từ Xêdarê đến Rôma
 
Festus trao cho Julius nhiệm vụ áp giải Phaolô đến Rôma đem theo Aristarque và Luca. Đến Sidon, Phaolô viếng thăm cộng đoàn kitô hữu tại đây. Từ Crète, sau 14 ngày đêm lênh đênh trong bão tố, Phaolô lên đảo Malte. Phaolô bị rắn cắn mà không sao, khiến dân bản xứ coi như thần. Thời gian này, Phaolô chữa bệnh cho cha vợ Publius là quản đảo, nên được tự do thăm viếng các bệnh nhân trên đảo, nhờ đó Phaolô có cơ hội rao giảng Tin Mừng và thiết lập nền móng cho Giáo hội tại đây. Qua mùa đông, Phaolô xuống tàu đến Puteoli, cảng thương mại lớn nhất nước Ý thời bấy giờ, thăm viếng các kitô hữu sinh sống tại đây. Khi gần đến Rôma, nhiều cộng đoàn kitô hữu đón gặp ngài. Mọi người đều hân hoan vì dù chưa biết Ngài nhưng cảm kích bởi những lời thơ ngài viết cho họ từ  Côrintô năm 58.  
 
b. Phaolô tại Roma
 
Phaolô đến Rôma khoảng tháng 4 năm 61. Sách Công vụ kết thúc ở 28, 16-30. Theo Luca, Phaolô thất bại trong việc rao giảng cho Do Thái, vì thế chuyển qua rao giảng cho dân ngoại. Khác với Do Thái cứng lòng tin, dân ngoại rất nhiệt tình đón nhận lời rao giảng, họ trở lại và gia nhập đạo ngày càng đông. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người, mọi dân tộc. Chủ đề này được coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ Tin Mừng Luca đến hết Công Vụ Tông Đồ.  Muốn tìm hiểu vụ án kết thúc thế nào, phải nhờ đến các nguồn tài liệu khác. Các Thơ Mục vụ sẽ giúp độc giả biết về những năm cuối cùng cuộc đời Phaolô.
 
c. Vấn đề các thơ được viết thời kỳ này
 
Theo Công Vụ, Phaolô bị quản thúc tròn 2 năm tại Rôma. Thời gian này, Phaolô đã viết các thơ thường gọi là Thơ ngục tù: Philipphê, Philêmon, Colôsê, Êphêsô. 
 
d. Gặp gỡ kiều bào Do Thái 
 
Theo Cv 28,17 Phaolô gặp các thân hào Do Thái.   Phaolô luôn băn khoăn đến việc rao giảng cho dân Do thái vì sự hiểu biết sai lạc của họ về Kitô giáo (kinh nghiệm của Phaolô trước biến cố Damas). Kiều bào Do Thái muốn gặp Phaolô vì từ lâu đã nghe đồn về ngài. Trong lần gặp gỡ này, Phaolô chỉ tóm tắt cho họ biết nội dung vụ án và bào chữa cho sự vô tội của mình; ngài bày tỏ lòng trung thành của mình với hy vọng thiên sai của dân. Lần gặp kế tiếp, Phaolô rao giảng cho họ về Nước Thiên Chúa mà Đấng Thiên sai đến thiết lập. Ngài bắt đầu từ Gioan Tẩy Giả, rồi minh chứng qua Thánh Kinh và các Ngôn sứ chính Đức Giêsu là Đấng Thiên sai đến thiết lập Nước Thiên Chúa. Ngài đã chịu chết, đã sống lại và trở thành nền tảng niềm hy vọng của những người công chính. Sau giảng thuyết, một số kiều bào Do Thái đã tin, nhưng số đông vẫn cứng lòng đến nỗi Phaolô ví họ như những người cứng lòng tin thời Isaia. Vì thế ngài sẽ rao giảng cho dân ngoại vì họ cũng được mời gọi gia nhập Vương quốc. 
 
e. Gặp gỡ dân ngoại
 
Dưới cái nhìn của Luca, Phaolô đến Roma, tuy bị xiềng xích, nhưng khởi đầu cho thời đại Kitô giáo bung ra đến tận cùng trái đất. Cộng đoàn Kitô tại Roma sẽ trở nên cộng đoàn mẫu mực cho toàn Giáo hội. Phaolô cho thấy tình trạng hiện tại của ngài có giá trị tông đồ sâu xa vì chính trong gian truân thử thách, ngài được thực sự liên kết vào sự khổ đau của Đức Kitô như trong thơ Cl: “Tôi hoàn thành trong thân xác điều còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô”. Ngài tha thiết xin các kitô hữu đừng bao giờ để mình bị gục ngã vì những thử thách ngài gánh chịu vì họ. Quanh Phaolô là một số các môn đệ cũng là cộng sự viên truyền giáo của ngài: Timôthê,Tychique, Aristarque, Marc, Jesus-juste, Epaphras, Luca, Onesime. Ngoài ra còn nhiều người thuộc cộng đoàn Rôma… Phaolô chuyển cho họ ngọn lửa nhiệt tình truyền giáo. Chắc chắn trong thời gian này, Phaolô đã rao giảng và giúp nhiều người ngoại trở lại, không những trong giới bình dân, nô lệ mà con trong giới thượng lưu.
 
 3. Tù nhân và tử đạo
 
Như trên đã nói, phần kết thúc Công Vụ  không cho biết kết quả vụ án. Tác giả Luca chỉ muốn triển khai những giai đoạn truyền giáo từ Giêrusalem, đến Samarie và Giuđê và cho đến tận cùng trái đất (Cv1,8) theo lệnh truyền của Đức Kitô phục sinh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đối với Luca, đến Rôma là đã đến tận cùng thế giới và như thế ơn cứu độ của Chúa đã được loan báo cho hết mọi dân tộc. 
Kết quả vụ án thế nào? Nhiều chỉ dẫn khác nhau cho biết Phaolô được trả tự do: những báo cáo của Festus và Julius ủng hộ sự vô tội của Phaolô, trong suốt 2 năm quản thúc không thấy có chứng cớ buộc tội, những chỉ dẫn trong các Thơ Mục Vụ cho biết Phaolô tiếp tục hoạt động truyền giáo cho đến lần bị bắt sau đó và bị xử án, các chứng từ thuộc truyền thống giáo phụ nói đến sự tử đạo của vị Tông đồ. 
 
a. Đi Tây Ban Nha
 
Theo Rm 15, 24.28 Phaolô dự tính đi Tây Ban Nha sau khi đã trở về Giêrusalem mang theo tiền lạc quyên giúp Giáo hội mẹ, để từ đó ngài sẽ đi Rôma để tiếp tục hoạt động truyền giáo nơi cánh đồng mới. Thế nhưng, Phaolô đến Rôma trong hoàn cảnh bị xiềng xích khác với dự tính viết trong thơ Rôma. Sự thể xảy ra thế nào?
Được trả tự do vào mùa xuân 63, Phaolô không vội rời Rôma. Ta tự hỏi ngài nghỉ lại đó một thời gian trước khi đi Tây Ban Nha như lòng mong ước, hay đi Côlôsê như đã từng nhờ Philêmon dàn xếp chỗ ở, hoặc đi truyền giáo tại một nơi khác? Về những điều này chỉ là những giả thiết! Có tác giả cho rằng Phaolô đi Tây Ban Nha vì dựa trên lời chứng của Giáo Hoàng Clément trong thơ gởi Côrintô 95-96: “Sau khi đã giảng dạy cho toàn thế giới, Phaolô đi đến biên cương phương Tây, làm chứng trước các lãnh đạo chính quyền, rồi từ bỏ thế gian này mà về nơi thánh”. Theo Clément, tận cùng trái đất là Tây Ban Nha. Việc đi Tây Ban Nha còn được xác nhận bởi tài liệu Muratori (180); Sách Công Vụ Phêrô (190) cũng ám chỉ đến chuyến đi Tây Ban Nha của Phaolô. 
 
b. Các thơ Mục vụ 
 
Các thơ Titô và Timôthê cho biết Phaolô âm thầm viếng thăm vùng bán đảo Ibérique, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về những chuyến đi của Phaolô sau khi được trả tự do. 
 
Trong thơ gởi Titô, Phaolô nói ngài thiết lập giáo đoàn tại hải đảo Crète và để Titô lại đó để phục vụ giáo đoàn. 
 
Theo 1Tm Phaolô nói ngài đi từ Êphêsô đến Macêđônia và hy vọng sẽ trở lại.
 
Trong 2Tm, Phaolô cho biết ngài bị cầm tù tại Rôma và cái chết đang gần kề. Trước đó ngài đã đi Trô-a, Milet, Côrintô. Ngài sai Titô đến Dalmatie, Tychique đến Êphêsô. Cuối thơ, ngài bảo Timôthê đến tìm gặp ngài ở Rôma, nhớ khi ngang qua Trô-a lấy cho ngài những đồ đã bỏ quên: áo choàng, sách và giấy.. 
 
Thật sự khó để xác định niên biểu các thơ này vì nhiều lý do: không biết có phải thơ Titô tóm kết nội dung thơ 1Tm, không có gì chắc chắn về niên biểu hai thơ ấy, các trình thuật về các chuyến đi của Phaolô trong ba thơ không phù hợp. Nhiều tác giả nói đến sự thiếu tính đích thực của các thơ trên; có tác giả cố gắng chứng minh thơ Titô và 1Tm viết từ Êphêsô hay từ Xêdarê khoảng năm 54-60, còn 2Tm viết tại Xêdarê hay Rôma khoảng năm 58-63. 
 
Do đó ta chỉ còn cách là dựa trên truyền thống về thời kỳ những biến cố kể trong ba thư trên để xác định đó là những năm 63-67.
 
Thơ 1Tm được viết từ Macêđônia gởi cho Timôtê. Phaolô sắp rời Êphêsô, nhưng nhận thấy tại đây có nhiều người đến thuyết giảng một học thuyết sai lạc về hôn nhân và về việc ăn uống, ngài giao cho Timôthê ở lại bảo vệ giáo đoàn. Nhận thấy Timôthê còn non trẻ, vì thế ngài viết thơ nhắc bảo. Không biết thơ Titô được viết từ Macêđônia hay không, chỉ biết trong thơ Phaolô nói muốn qua mùa đông tại Nicopolis và giao lại cho Titô trách nhiệm tổ chức và thiết lập các vị trưởng lão tại Crète. 
 
Chắc chắn khi viết thơ 2Tm Phaolô không còn ở Macêđônia, ngài đang bị tù lần 2 tại Rôma. Tuy nhiên, khi viết thơ này, ngài còn đang liên lạc được với nhiều môn đệ và trao trách nhiệm cho họ. Người ta không biết ngài bị bắt lần 2 trong trường hợp nào; chỉ biết thời gian sau này kẻ thù ghét ngài từ tứ phía luôn tìm cách ám hại ngài: người Do Thái cứng tin, người Do Thái quá khích, những người rao giảng sai lạc… Vì thế, ngài thường phải đổi chổ ở. Trong thơ, ngài viết mọi người bỏ ngài, ngài phải đứng ra tự biện hộ cho mình, nhưng ngài không nao núng vì Đức Kitô ban sức mạnh để ngài loan báo sứ điệp cứu rỗi trước dân ngoại đến dự phiên toà. Ngài biết chắc sẽ bị kết án tử, nhưng ngài hoàn toàn tín thác vào Đức Kitô. Nhìn về quá khứ Tông đồ, ngài bằng lòng và hãnh diện vì đã đáp ứng điều Đức Kitô  đòi hỏi và ngài tin chắc giờ đây Đức Kitô đang chuẩn bị triều thiên vinh quang cho ngài. 
 
c. Tử đạo
 
Clément (1Clém 5,7) nói rằng trước khi chết Phaolô đã làm chứng cho các nhà cầm quyền. Truyền thống giáo phụ khẳng định Phaolô và Phêrô chịu tử đạo. Tertullien (giữa 200- 213) xác định rõ trường hợp cái chết của hai vị Tông đồ: cả hai đều chịu tử đạo dưới triều Nêron. Phêrô bị treo ngược trên thập giá, còn Phaolô bị chém đầu. Để xác định năm tháng tử đạo, ta cần đặt cuộc hỏa hoạn Rôma do bạo chúa Nêron tạo ra vào ngày 19-7-64. Sau đó mới có cuộc bách hại để đổ lỗi cho kitô hữu vào năm 65. Như thế cái chết của các Tông đồ Phêrô và Phaolô theo sử gia Eusèbe de Césarée xảy ra vào năm 67.  
 
Phaolô bị chém đầu trên đường Ostie (linh mục Caius, thế kỷ III, làm chứng). Nơi đây sau này sẽ mọc lên một đan viện gọi là Trois Fontaines. Các kitô hữu chôn xác ngài gần Rôma. Ngày 29-6-258, xác ngài cùng với xác Phêrô được cải táng về khu mộ Saint Sébastien. ĐGH Sylvestre I (314-335) cho cải táng về chỗ cũ. Hoàng đế Constantin le Grand (306-337) xây dựng trên mộ đền thờ, và năm 395 biến thành vương cung thánh đường. Năm 1823 một cuộc hoả hoạn thiêu rụi để sau đó người ta xây lại vương cung thánh đường tên Saint Paul hors les murs.
 
 
Kết luận
 
1. Phaolô Tông đồ
 
Ý thức mãnh liệt là Tông đồ của Đức Giêsu, Phaolô luôn nại đến nguồn gốc ơn gọi và sứ mạng của mình và hoàn toàn lệ thuộc vào một mình Đức Kitô mà ngài tự xưng mình là tôi tớ.
 
Khác với Nhóm 12 đã từng theo Đức Giêsu  trên mọi nẻo đường Palestine, Phaolô là người đến sau như con đẻ non. Thế nhưng ngài đã một lần gặp Đức Kitô và khám phá ra sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh. Từ đó, qua thực tại kép vừa là cớ vấp phạm của thập giá vừa là ánh vinh quang phục sinh, mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô chiếm lĩnh toàn bộ nền thần học cũng như cuộc đời của ngài. Cách chung, qua các thơ để lại, Phaolô quan tâm đến việc làm sao giúp kitô hữu sống trong Đức Kitô và để Đức Kitô sống trong người ấy. Trong lúc nói lên sứ mạng đặc biệt của mình, Phaolô cũng nhấn mạnh ngài không rao giảng một Tin Mừng nào khác ngoài điều đã lãnh nhận từ nơi Đức Kitô và từ các Tông đồ (1Cr 16,1-11;Gl 1,6-9). Ngài tha thiết liên đới và hiệp nhất với các Tông đồ, ngay từ buổi đầu khi đã được đổi đời, cũng như trong khi thi hành sứ vụ rao giảng cho dân ngoại.
 
2. Phaolô với sứ mạng
 
Được giáo dục từ hai nền văn hoá: Do Thái và Hy Lạp, Phaolô không thiên về một văn hóa nào, nhưng biết hòa trộn và làm phong phú cả hai với mục đích phục vụ hữu hiệu hơn cho Tin Mừng. Việc tuyên xưng Đức Kitô chết và sống lại theo Kinh Thánh là chìa khóa cho phép ngài đọc lại và hiểu rõ hơn Cựu Ước. Ngài tìm thấy được ý nghĩa sâu sắc hơn của Lời hứa, giá trị tuyệt vời của ơn công chính hóa mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho người tội lỗi, không do việc tuân giữ lề luật nhưng nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Ngài đã trở nên Hy Lạp đối với người Hy Lạp; đã dùng những triết lý của họ để rao giảng cho họ chân lý Tin Mừng. Ngài không đòi hỏi con người phải ra khỏi thế giới mình đang sống, nhưng biết hội nhập.
 
Ngài đã miệt mài rao giảng cho Do Thái và dân ngoại. Những cuộc hành trình truyền giáo vĩ đại của ngài là một minh chứng hùng hồn cho sự nhiệt tâm và nhiệt thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó. Đến đâu, ngài thiết lập giáo đoàn, tổ chức những lãnh đạo, hằng chăm sóc, quan tâm dạy dỗ qua những chuyến viếng thăm hoặc qua những thư từ. Ngài là mẫu mực cho các nhà mục tử. Quả thật ngài là nhà tiến sĩ Giáo hội, một Giáo hội được mời gọi đoàn tụ mọi dân nước trên khắp thế gian trong tình yêu Thiên Chúa.
 
3. Phaolô hoàn toàn cho Chúa 
 
Được thấy và gặp Đức Kitô phục sinh trong biến cố Đamas, Phaolô luôn thâm tín mỗi người đang trên hành trình đức tin tiến bước về với Chúa và hoàn toàn đặt mình dưới ơn Chúa. Lề luật chỉ đóng vai trò quản giáo chuẩn bị, chính Đức Kitô chết và sống lại mới thực hiện công trình cứu độ. Đời sống công chính phải được triển nở bằng nổ lực thánh hóa nhờ vào việc thực thi bác ái dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Trên hành trình tiến về ngày cánh chung, kitô hữu không thể sống khoanh tay bên lề xã hội, nhưng sẵn sàng nổ lực góp phần canh tân thế giới với niềm hy vọng được tham dự vào vinh quang vĩnh cửu trong ngày Chúa quang lâm. Cuộc sống hiện tại của kitô hữu là một trương độ giữa cái “đã là” (le déjà) và cái “chưa tới” (le pas-encore). Tất cả những hoạt động truyền giáo, những lời giảng dạy, những thiết lập giáo đoàn … phải chăng Phaolô muốn nói lên tâm tình trọn vẹn cho Chúa và chuẩn bị cho một tương lai của Hội Thánh. Tâm tình đó, ngài gói trọn trong tâm sự sau đây: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài”  (Pl 3,8-14).
 
 

Lm GB Hoàng Văn Khanh


[id]1;http://www.youtube.com/watch?v=Mp3UxF4g3O0|2;http://www.youtube.com/watch?v=IQU7CvFKwh4|3;http://www.youtube.com/watch?v=bJ1oG77vdqI|[/id]

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.